Quốc tế hóa giáo dục đại học về mặt chính sách được xem như là một công cụ để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, bắt kịp với sự phát triển trong khu vực và quốc tế, nâng cao vị trí xếp hạng toàn cầu của các trường đại học và xây dựng nguồn nhân lực cho đất nước.

Nhưng các xu hướng, thách thức và tiềm năng của quốc tế hóa là gì? Đây là trọng tâm của cuốn sách vừa được nhà xuất bản Springer-Nature phát hành, Quốc tế hóa Giáo dục Đại học Việt Nam (Internationalisation in Vietnamese Higher Education)*.

Quốc tế hóa tại chỗ

Chương trình Tiên tiến là một dự án quốc tế hóa đặc biệt do chính phủ Việt Nam khởi xướng, với mục đích quốc tế hóa chương trình học và nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường đại học được chọn bằng cách nhập khẩu chương trình học từ các trường đại học danh giá nằm trong bảng xếp hạng 200 trường đại học hàng đầu trên thế giới.

Bắt đầu từ năm 2006 và sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy, Chương trình đã đạt được những thành công đáng kể, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức chuyên ngành, tài liệu và môi trường học tập tiên tiến. Chương trình cũng nâng cao kỹ năng mềm, năng lực tiếng Anh, và năng lực tự tạo việc làm cho các thế hệ sinh viên tốt nghiệp trên thị trường lao động địa phương và trong khu vực. Tính đến năm 2011, đã có 34 Chương trình Tiên tiến được giới thiệu ở các trường đại học trọng điểm.

Các nhóm dự án Marketing (bao gồm cả sinh viên quốc tế đến từ Đức, Thụy Sỹ, Pháp và Ý) thuộc Chương trình Tiên tiến Kinh tế đối ngoại Khóa 54, ĐH Ngoại thương, thuyết trình trước các giám khảo khách mời đến từ doanh nghiệp, Hà Nội, 21/9/2018. Nguồn: ftu.edu.vn
Các nhóm dự án Marketing (bao gồm cả sinh viên quốc tế đến từ Đức, Thụy Sỹ, Pháp và Ý) thuộc Chương trình Tiên tiến Kinh tế đối ngoại Khóa 54, ĐH Ngoại thương, thuyết trình trước các giám khảo khách mời đến từ doanh nghiệp, Hà Nội, 21/9/2018. Nguồn: ftu.edu.vn

Tuy nhiên, mục tiêu lớn hơn của Chương trình Tiên tiến – đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao cho Việt Nam – vẫn còn xa mới đạt được và cách thực hiện hiện nay dẫn đến sự bất công và bất bình đẳng do Chương trình hướng đến một bộ phận nhỏ sinh viên ở các chuyên ngành được lựa chọn tại một số trường đại học trọng điểm nhất định. Tác động tích cực đối với việc dạy, học và năng lực sinh viên tốt nghiệp vì vậy manh mún, có quy mô nhỏ hẹp.

Ở những nơi các Chương trình Tiên tiến được giảng dạy bằng tiếng Anh và các chương chính thống được giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ được tiến hành song song trong cùng một trường thì sự bất bình đẳng dễ dàng xảy ra. Các chương trình Tiên tiến được xem là có tính đặc quyền hơn các chương trình được giảng dạy bằng tiếng Việt được tiếp cận bởi các sinh viên không đủ khả năng chi trả cho việc học đại học bằng tiếng Anh, hoặc không đủ ‘giỏi’ để được nhận vào các Chương trình Tiên tiến.

Hơn nữa, Chương trình Tiên tiến được dựa trên các mô hình nhập khẩu hoàn toàn về cấu trúc, thiết kế, quản lý và hệ tư tưởng và nội dung. Do sự khác biệt về lịch sử, nhu cầu quốc gia, văn hóa, hệ tư tưởng giáo dục và đặc biệt là hạ tầng cơ sở giữa các trường đại học Việt Nam và các trường đại học đối tác nước ngoài của họ, cách tiếp cận chủ yếu theo hướng này tạo ra những thách thức về tính bền vững, tính khả thi và tính thực tiễn.

Những khía cạnh chính của quốc tế hóa ở Việt Nam:

Sự dịch chuyển sinh viên và giảng viên, đặc biệt là ra nước ngoài;

 Hợp tác quốc tế về xây dựng chương trình và giảng dạy;

 Các chương trình liên kết và bằng đôi;

 Thành lập các trường đại học quốc tế và học viện quốc tế;

 Sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy;

 Quốc tế hóa nghiên cứu, bao gồm hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, đánh giá hiệu suất và kết quả nghiên cứu theo các tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng các trung tâm và viện nghiên cứu chính có sự hợp tác và hỗ trợ bởi các đối tác quốc tế.

Các chương trình liên kết và bằng đôi

Trong hai thập niên qua, các chương trình liên kết và bằng đôi đã tăng lên nhiều lần. Hiện nay có khoảng hơn 300 chương trình liên kết và bằng đôi cấp các chứng chỉ hoặc bằng cấp được hợp tác với 32 nước, tăng lên so với 133 chương trình vào năm 2007.

Có nhiều gia đình hơn muốn cho con cái được hưởng giáo dục quốc tế để nâng cao lợi thế cạnh tranh và có thể chi trả học phí cao hơn của các chương trình được quốc tế công nhận được giảng dạy ngay trong nước. Các chương trình liên kết và bằng đôi tạo điều kiện hợp tác quốc tế cho các trường đại học Việt Nam và việc nhập nhẩu các chương trình học của nước ngoài.

Tuy nhiên, có những vấn đề liên quan đến mô hình chương trình liên kết và bằng đôi. Việt Nam thiếu khung quy định chặt chẽ và minh bạch cho việc đảm bảo và kiểm định chất lượng và thiếu các chiến lược để đảm bảo tính bền vững cho các chương trình xuyên quốc gia này.

Các học giả lưu ý rằng “chất lượng thấp của nhiều chương trình nước ngoài, số lượng lớn các quan hệ đối tác rỗng và tính chất “hạng hai” của các giảng viên nước ngoài ở Việt Nam” là những vấn đề nghiêm trọng của việc cung cấp giáo dục xuyên quốc gia.

Sự dịch chuyển sinh viên

Sự dịch chuyển sinh viên từ nước ngoài đến Việt Nam, nhằm mục đích nâng cao thứ hạng quốc tế của các trường đại học Việt Nam, góp phần làm phong phú trải nghiệm đa văn hóa và tiếng Anh tại chỗ cho sinh viên Việt Nam qua việc tiếp xúc với sinh viên nước ngoài, tạo chất xúc tác cho việc đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy và tạo doanh thu, đã không phát triển mạnh mẽ bằng sự dịch chuyển sinh viên ra nước ngoài.
Các yếu tố chính giải thích cho sự thiếu cân bằng này là trình độ phát triển và chất lượng giáo dục, thực trạng giáo dục và chính sách, và việc thiếu các hệ thống hành lang hỗ trợ quốc tế hóa giáo dục và thu hút sinh viên nước ngoài của Việt Nam.

Các chiến lược của chính phủ Việt Nam về quốc tế hóa chương trình học bao gồm việc phát triển các Chương trình Tiên tiến, các chương trình của ‘Đại học Xuất sắc’ và liên kết, việc mở thêm các khóa học sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy và sự gia tăng các chương trình được quốc tế công nhận là những yếu tố then chốt trong việc thu hút thêm nhiều sinh viên quốc tế.

Mục tiêu của chính phủ là có đến 150 chương trình được kiểm định bởi các cơ quan kiểm định quốc tế trong thời gian từ năm 2016 đến 2020.

Khuyến khích sự linh hoạt trong chiến lược quốc tế hóa

Chính phủ cũng đã bắt đầu tạo các điều kiện và cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư quốc tế và các trường đại học nước ngoài mở các cơ sở chi nhánh quốc tế tại Việt Nam (ví dụ, trường Đại học RMIT Việt Nam – RMIT University Vietnam, và trường Đại học Anh quốc Việt Nam – British University Vietnam) hoặc hợp tác với các trường đại học địa phương.

Áp dụng một cách tiếp cận tích cực hơn và vượt ra khỏi việc là một nước nhập khẩu giáo dục quốc tế đơn thuần (hiện nằm trong top 10 nước cung cấp sinh viên du học cho các nước như Anh, Mỹ, Úc và Canada), chính phủ cũng cam kết để cho các trường được linh hoạt và tự chủ hơn trong việc quyết định việc thu hút sinh viên quốc tế và mở các khóa học mới.

Ngoài ra, các nước nhận sinh viên quốc tế hàng đầu như Úc và Mỹ hiện đang thúc đẩy việc ra nước ngoài học tập tại châu Á để giúp sinh viên của họ có được sự trải nghiệm với châu Á. Ví dụ, chương trình New Colombo Plan, chương trình mang tính thương hiệu của Úc về sự dịch chuyển sinh viên ra nước ngoài và ngoại giao công chúng, tài trợ để sinh viên Úc phát triển kiến thức và kết nối nghề nghiệp với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Sự thúc đẩy sinh viên từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển hay các nước châu Á để học tập, thực tập hay trải nghiệm đang dần trở nên phổ biến và được gọi là hiện tượng chuyển dịch sinh viên ngược (reverse student mobility).

Điều này mang lại cho Việt Nam cơ hội đón nhận tiềm năng dịch chuyển sinh viên theo chiều ngược lại. Theo thống kê của Bộ Ngoại Giao Úc, từ năm 2014 đến năm 2018, số sinh viên Úc được hỗ trợ bởi chương trình Colombo mới để học tập và thực tập tại Việt Nam đã tăng hơn năm lần, đạt 1.539 vào cuối năm 2018. Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng là một điểm đến thu hút sinh viên quốc tế cho các khóa học ngắn hạn và thực tập. Điều đó thể hiện qua việc năm 2017 Việt Nam là điểm đến đứng thứ 8 cho các khóa học ngắn hạn và thực tập của sinh viên Úc trong chương trình Colombo mới, nhưng năm 2018, chúng ta trở thành điểm đến thứ 6 và hiện vươn lên thành điểm đến được ưa chuộng thứ 4 của sinh viên Úc, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ và trước cả Nhật.
Hướng về phía trước

Quốc tế hóa đã góp phần làm phong phú và đa dạng hóa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam về mặt kiến trúc và hoạt động của trường, chương trình, hoạt động, và các mô hình trao đổi và dịch chuyển sinh viên.

Tuy nhiên, các vấn đề về bất bình đẳng và bất công đã xuất hiện, không thể tránh khỏi, do việc quốc tế hóa đang được thực hiện một cách manh mún, đối phó. Điều này mang lại đặc quyền cho một nhóm nhỏ những sinh viên ưu tú có thể đủ khả năng chi trả tiền học phí và thỏa mãn được các yêu cầu về đầu vào của các chương trình ‘quốc tế hóa’ như Chương trình Tiên tiến ở đại học hoặc chương trình đào tạo song bằng tú tài ở phổ thông trung học.
Đồng thời, việc tuyển sinh vào các chương trình liên kết và song bằng cũng gây nghi vấn về chất lượng, vì các chương trình này thường không đòi hỏi phải thi tuyển sinh hoặc nhận sinh viên dựa vào điểm số học tập thấp hơn so với yêu cầu cho các chương trình khác tại các trường đại học công của Việt Nam.

Hơn nữa, các hoạt động quốc tế hóa chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực nghề nghiệp có nhu cầu cao, đặc biệt là kinh doanh và kế toán.

Tuy nhiên, những kết quả mong đợi không thể đạt được nếu không có các chính sách và chiến lược đúng đắn để hỗ trợ cho các trường đại học và cá nhân tăng cường việc quốc tế hóa hiệu quả và bền vững.

PGS. TS Trần Thị Lý
Khoa Giáo dục, Đại học Deakin, Úc

Bài viết này tóm tắt bài bình luận ‘From recipient to partner in international education’ xuất bản trên University World News.

(*) Cuốn sách có sự tham gia của các nhà nghiên cứu giáo dục, xã hội học, quản lý nhân sự, và kinh tế; và do PGS.TS Trần Thị Lý và GS Simon Marginson là đồng chủ biên.